Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2022: “Nóng” câu chuyện mở cửa du lịch ASEAN
VHO- Diễn ra từ ngày 16 - 22.1, tại thành phố biển Sihanoukville xinh đẹp của Campuchia, Diễn đàn Du lịch ASEAN lần thứ 40 (ATF 2022) là một diễn đàn quan trọng nhằm thúc đẩy du lịch của 10 nước thành viên ASEAN. Đặc biệt ở Diễn đàn này với chủ đề “ASEAN - Một cộng đồng vì hòa bình và tương lai chung”, câu chuyện mở cửa Du lịch ASEAN và quốc tế “nóng” hơn bao giờ hết.
Các Bộ trưởng Du lịch ASEAN thể hiện tình đoàn kết và quyết tâm phục hồi du lịch trong khối
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đồng thời là Chủ tịch ASEAN tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc ATF 2022. Tham dự còn có Bộ trưởng, Trưởng đoàn du lịch của các nước Đông Nam Á, các nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, các hãng thông tấn báo chí Campuchia và quốc tế. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt làm Trưởng đoàn tham dự.
Mở cửa một cách toàn diện
Diễn đàn Du lịch ASEAN lần này đã minh chứng cho những nỗ lực của Campuchia, cũng như các quốc gia thành viên ASEAN khác nhằm “hồi sinh” ngành Du lịch sau những tác động tàn khốc của cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 25, việc mở cửa du lịch ASEAN trở thành chủ đề “nóng” nhất.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc ATF 2022, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ việc mở cửa du lịch ASEAN lần này, đặc biệt là du lịch theo hình thức hộ chiếu vắc xin ở khu vực ASEAN. Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao nỗ lực của tất cả các đại biểu quốc tế trong việc tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN 2022 tại Campuchia lần này. Dù đến Campuchia tham dự sự kiện bằng đường bộ, đường hàng không; dù thời gian có dài hơn nhưng đã thể hiện sự quyết tâm hồi phục, đoàn kết trong khu vực và thích ứng trong bối cảnh Covid-19. Đoàn Việt Nam tham dự ATF lần này cũng tới nước chủ nhà bằng đường bộ, qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 25, các Bộ trưởng tập trung vào những ảnh hưởng, sự phát triển của ngành Du lịch kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công khu vực năm 2020. Tại Hội nghị, các thông tin về tác động của Covid-19 đối với các nước thành viên ASEAN đối với quốc gia mình đã được chia sẻ và trao đổi quan điểm về con đường phía trước để khu vực phục hồi sau tác động tàn khốc do cuộc khủng hoảng về y tế này gây ra. Các Bộ trưởng ghi nhận, ngành Du lịch đã nhanh chóng thích ứng với các yêu cầu trong mô hình mới để đảm bảo rằng Du lịch ASEAN không chỉ sẵn sàng mở cửa trở lại mà còn có thể phục hồi nhanh hơn và linh hoạt hơn trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Trước bối cảnh một số biến chủng mới của Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong khu vực, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các Bộ trưởng, Trưởng đoàn Du lịch ASEAN cùng nhất trí tăng cường hợp tác trao đổi thông tin để chia sẻ kịp thời, chính xác các quy định mới về xuất nhập cảnh và an toàn y tế, đảm bảo điều kiện an toàn cho hoạt động du lịch trong khu vực. Đồng thời, chúng ta sẽ cùng phối hợp với nhau thúc đẩy việc mở cửa và quảng bá du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp, tùy theo điều kiện của mỗi nước.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn
ASEAN - Điểm đến cho mọi giấc mơ
Tại Hội nghị Bộ trưởng du lịch ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2022, các Bộ trưởng đã ghi nhận tiến độ thực hiện 7 chương trình hành động chiến lược trong khuôn khổ Chiến lược du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn 2016-2025 được cập nhật nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của ASEAN với tư cách là một điểm đến du lịch chung. Sau cơn địa chấn Covid-19, các chương trình ưu tiên mới theo xu hướng và sự phát triển gần đây trong khu vực đã được xác định bao gồm: Thông qua các biện pháp và sáng kiến để hỗ trợ số hóa Du lịch ASEAN; tăng cường mạng lưới dữ liệu và thông tin và các hoạt động thúc đẩy kết nối và tạo thuận lợi cho du lịch trong và ngoài ASEAN.
Hội nghị cũng khuyến khích các nước thành viên ASEAN, cùng với các khu vực tư nhân, tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy ngành Du lịch của khu vực, để đảm bảo tính cạnh tranh của ASEAN với tư cách là một điểm đến du lịch chung, đặc biệt là trong quá trình tái khởi động du lịch trong khu vực theo Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN (ATMS) giai đoạn 2021- 2025, đặt ra lộ trình quảng bá du lịch ASEAN cho những năm sắp tới.
Việc ra mắt biểu tượng Du lịch ASEAN mới “Mặt trời hiện đại” và “Điểm đến cho mọi giấc mơ” cũng như là khẩu hiệu mới cho các hoạt động quảng bá, phù hợp với việc mở cửa trở lại du lịch ở khu vực. Bên cạnh đó, Kế hoạch công tác du lịch du thuyền 2022 bao gồm các hoạt động về các sáng kiến quảng bá chung ASEAN tại sự kiện toàn cầu Seatrade Cruise Global 2022 hằng năm ở Miami (Mỹ) cũng được thảo luận và ghi nhận tại Hội nghị. Thời gian gián đoạn hiện tại trong các hoạt động liên quan đến du thuyền sẽ được coi là cơ hội để tập hợp các cơ quan liên quan nhằm hướng tới sự phục hồi bền vững của lĩnh vực du lịch, mang lại lợi ích rõ ràng cho các điểm đến trên toàn ASEAN. Dựa trên điều này, Du lịch ASEAN đã và đang làm việc để thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn hành trình an toàn nhất quán trên tất cả các cảng Đông Nam Á.
Hội nghị Các Bộ trưởng nhắc lại rằng đang trong giai đoạn mở cửa trở lại, các nền tảng của du lịch bền vững và nền kinh tế xanh sẽ được đặt ra và cần được ưu tiên ngay sau khi bảo tồn cuộc sống và sinh kế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực thúc đẩy tính bền vững và tăng trưởng xanh khi ASEAN chuyển dịch chính sách tập trung vào một lĩnh vực du lịch có khả năng phục hồi, cạnh tranh, hiệu quả tài nguyên, bao trùm và trung hòa cacbon.
ĐẶNG THÁI - TỐ LINH (từ Campuchia)